CHI TIẾT SẢN PHẨM
1 Thành phần
Thành phần: Thành phần công thức thuốc Novomycine 3 M.IU cho 1 viên
- Thành phần hoạt chất: Spiramycin 3.000.000 IU.
- Thành phần tá dược: tá dược vừa đủ 1 viên.
Nhóm thuốc: thuốc kháng sinh.
Dạng bào chế: Viên nén bao phim.
2 Tác dụng - Chỉ định của thuốc Novomycine 3 M.IU
2.1 Tác dụng của thuốc Novomycine 3 M.IU
Thuốc Novomycine 3 M.IU với thành phần hoạt chất chính là Spiramycin, đây là kháng sinh thuộc nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn gần giống phổ kháng khuẩn của Clindamycin và erythromycin. Nhưng so với hai phổ này thì Spiramycin kháng được nhiều loại vi khuẩn hơn và có tác dụng tốt hơn.
Thuốc có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào. Ở các nồng độ trong huyết thanh, thuốc có tác dụng kìm khuẩn, nhưng khi đạt nồng độ ở mô thuốc có thể diệt khuẩn. Thuốc có cơ chế tác dụng là tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn chặn vi khuẩn tổng hợp protein.
Sự kháng thuốc của nhóm macrolid thường có sự liên quan đến thay đổi vị trí đích của thuốc, với cơ chế kháng thuốc có thể qua trung gian nhiễm sắc thể hoặc plasmid. Vi khuẩn kháng thuốc sinh ra một enzyme methyl hóa adenin trong ribosom RNA, làm kìm hãm sự gắn kết của thuốc với ribosom.
Ở những nơi có sự kháng thuốc yếu, Spiramycin có tác dụng kháng các chủng Coccus như Gonococcus, Enterococcus và Streptococcus, một số chủng Mycoplasma và Toxoplasma (như Toxoplasma gondii).
Với vi khuẩn đường ruột Gram âm thì Spiramycin sẽ không có tác dụng. Và cũng đã có thông báo về sự đề kháng của vi khuẩn với Spiramycin, trong đó có đề cập đến sự đề kháng chéo giữa Spiramycin, Erythromycin và Oleandomycin.
2.2 Chỉ định thuốc Novomycine 3 M.IU
Điều trị nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Spiramycin: nhiễm khuẩn da, xương, răng, tai, mũi, họng, phế quản, phổi và đường sinh dục (đặc biệt tuyến tiền liệt).
Dự phòng viêm màng não do Meningococcus, khi có chống chỉ định với Rifampicin.
Dự phòng tái phát thấp khớp cấp tính ở người dị ứng với penicillin.
Bệnh do ký sinh trùng Toxoplasma (triệu chứng giống cúm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, nổi hạch...) ở phụ nữ có thai.
3 Liều dùng - Cách dùng thuốc Novomycine 3 M.IU
3.1 Liều dùng của thuốc Novomycine 3 M.IU
Liều dùng: theo chỉ định của bác sĩ.
Liều đề nghị cho người lớn: 6.000.000 - 9.000.000 IU/24 giờ (2-3 viên/ ngày). Thời gian điều trị trong khoảng 10 ngày.
Dự phòng viêm màng não do Meningococcus: 3.000.000 IU/12 giờ (mỗi ngày dùng 2 viên). Thời gian điều trị trong khoảng 5 ngày.
3.2 Cách dùng thuốc Novomycine 3 M.I.U hiệu quả
Nên uống thuốc sau bữa ăn 3 giờ và trước bữa ăn ít nhất 2 giờ, uống thuốc với một cốc nước đầy và nuốt nguyên viên.
4 Chống chỉ định
Người có tiền sử quá mẫn với Spiramycin, hoặc với các kháng sinh khác nhóm macrolid, hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
5 Tác dụng phụ
Thuốc Novomycine 3 M.I.U gây ra cho người sử dụng một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Trên tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, bụng khó tiêu, viêm kết tràng cấp (ít gặp hơn).
- Trên hệ thần kinh: chóng mặt, đau đầu.
- Toàn thân: chảy máu cam, người mệt mỏi, cảm giác đè ép ngực, đổ mồ hôi.
- Trên da: ngoại ban, phát ban, nổi mày đay.
Ngoài bệnh lý chính, người dùng còn nhiễm thêm một hay nhiều vi trùng, vi khuẩn hay virus khác trên bệnh lý nền do dùng dài ngày thuốc uống Spiramycin.
Khi sử dụng thuốc gặp phải những phản ứng có hại nên thông báo cho dược sĩ hoặc bác sĩ ngay lập tức.
6 Tương tác
Khi dùng Spiramycin cùng với thuốc uống tránh thai sẽ làm mất tác dụng thuốc tránh thai.
Khi Spiramycin dùng đồng thời với Levodopa sẽ làm nồng độ của levodopa trong máu giảm.
Đã có báo cáo các trường hợp khi dùng kháng sinh làm tăng hoạt tính của thuốc chống đông đường uống.
So với Erythromycin, Spiramycin ít có ảnh hưởng tương tác hơn với các thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzym cytochrom P450 bởi Spiramycin ít hoặc không làm ảnh hưởng đến hệ enzyme này ở gan.
7 Lưu ý khi sử dụng và bảo quản
7.1 Lưu ý và thận trọng
Spiramycin có thể gây độc với gan nên cần thận trọng khi dùng cho người rối loạn chức năng gan (dấu hiệu gan bị tổn thương, không đảm bảo các vai trò hoạt động).
Đối với người bị bệnh tim, loạn nhịp (bao gồm cả người có khuynh hướng kéo dài khoảng QT) cần thận trọng khi sử dụng. Khi bắt đầu điều trị nếu thấy phát hồng ban toàn thân có sốt, phải dừng thuốc vì nghi ngờ bị bệnh mụn mủ ngoại ban cấp, trong trường hợp này phải chống chỉ định dùng spiramycin cho những lần sau.
Cần chú ý thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận, thiếu hụt G6PD.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
7.2 Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú
Không dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai và trong trường hợp nếu có sử dụng phải theo dõi thật cẩn thận.
Spiramycin bài tiết qua đường sữa mẹ với nồng độ cao. Với phụ nữ đang cho con bú phải dùng thật cẩn thận và tốt nhất nên ngừng thuốc khi đang cho con bú.
7.3 Xử trí khi quá liều
Quá liều: Khi dùng liều cao, có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Có thể gặp khoảng QT kéo dài, hết dần khi ngừng điều trị.
Cách xử trí: Trong trường hợp quá liều, nên làm điện tâm đồ để đo khoảng QT, nhất là khi có kèm theo giảm Kali huyết, khoảng QT kéo dài bẩm sinh, kết hợp dùng thuốc kéo dài khoảng QT và/ hoặc gây xoắn đỉnh. Không có thuốc giải độc. Điều trị triệu chứng.
Theo dõi liên tục để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
7.4 Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30°C và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Để xa tầm với của trẻ em.
8 Nhà sản xuất
SĐK: VD-29328-18.
Nhà sản xuất: Mekophar, Việt Nam.
Đóng gói: Hộp 2 vỉ × 5 viên.