CHI TIẾT SẢN PHẨM
MUTECIUM-M hỗn dịch
Công ty đăng ký | Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar |
Số đăng ký | VD-33744-19 |
Dạng bào chế | Hỗn dịch uống |
Quy cách đóng gói | Hộp 1 chai 100ml |
Thành phần của Hỗn dịch uống Mutecium-M
Thông tin thành phần | Hàm lượng |
---|---|
Domperidone | 30mg |
Công dụng của Hỗn dịch uống Mutecium-M
Chỉ định
Thuốc Mutecium-M được chỉ định dùng trong các trường hợp điều trị triệu chứng nôn và buồn nôn.
Dược lực học
Domperidone là chất đối kháng thụ thể cả thụ thể D1, và D2, của dopamine, tương tự như metoclopramide.
Do thuốc hầu như không có tác dụng lên các thụ thể dopamine ở não, nên domperidone không có ảnh hưởng lên tâm thần và thần kinh.
Domperidone thúc đẩy nhu động của dạ dày (tác nhân prokinetic), làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn, nhưng lại không ảnh hưởng lên sự bài tiết của dạ dày.
Thuốc dùng để điều trị chứng buồn nôn và nôn cấp, cả buồn nôn và nôn do dùng levodopa hoặc bromocriptine ở người bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, do không vào được thần kinh trung ương, chỉ tác dụng ở ngoại biên (trên vùng cò súng, chemoreceptor trigger zone, CTZ ở sàn não thất 4 và trên ống tiêu hoá) nên tác dụng chống nôn của domperidone không bằng metoclopramide, nhưng ít gây hội chứng ngoại tháp hơn.
Domperidone cũng có khả năng đối kháng lại tác dụng ức chế bài tiết prolactin gây ra bởi dopamine hoặc apomorphine, làm tăng rõ rệt nồng độ prolactin trong huyết tương.
Dược động học
Domperidone được hấp thu ở đường tiêu hoá, nhưng có sinh khả dụng đường uống thấp (uống lúc đói chỉ khoảng 15%) do chuyển hoá bước đầu của thuốc qua gan và chuyển hoá ở ruột.
Thuốc cũng được hấp thu khi đặt trực tràng với sinh khả dụng tương đương sinh khả dụng sau khi uống, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương chỉ bằng 1/3 nồng độ đỉnh đạt được sau khi uống và hấp thu chậm hơn (đạt nồng độ đỉnh sau 1 giờ so với 30 phút sau khi uống hoặc tiêm bắp).
Sinh khả dụng đường tiêm bắp đạt khoảng 90% với nồng độ đỉnh đạt sau khoảng 30 phút. Sinh khả dụng của thuốc sau khi uống tăng lên rõ rệt (từ 13% lên khoảng 23%) nếu uống thuốc 90 phút sau khi ăn, nhưng thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương thì chậm lại.
Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 91% đến 93%. Thể tích phân bố của thuốc khoảng 5,71 lít/kg thể trọng. Có khoảng 0,2% đến 0,8% lượng thuốc có khả năng xâm nhập qua hàng rào nhau thai.
Thuốc chuyển hoá rất nhanh và nhiều ở gan nhờ quá trình hydroxyl hoá và khử N-alkyl oxy hoá. Nửa đời thải trừ ở người khỏe mạnh khoảng 7,5 giờ và kéo dài ở người có suy giảm chức năng thận (nửa đời thải trừ có thể tăng lên đến 21 giờ trên bệnh nhân có nồng độ creatinine huyết tương lớn hơn 530 mmol/lít).
Không có hiện tượng thuốc bị tích tụ trong cơ thể do suy thận, vì độ thanh thải của thận thấp hơn nhiều so với độ thanh thải toàn phần của huyết tương.
Domperidone đào thải theo phân và nước tiểu, chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hoá: 30% liều uống đào thải theo nước tiểu trong 24 giờ (0,4% ở dạng nguyên vẹn); 66% đào thải theo phân trong vòng 4 ngày (10% ở dạng nguyên vẹn). Domperidone hầu như không qua hàng rào máu – não.
Cách dùng Hỗn dịch uống Mutecium-M
Cách dùng
Thuốc Mutecium-M được dùng đường uống.
Mutecium-M chỉ nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để kiểm soát nôn và buồn nôn.
Nên uống Mutecium-M trước bữa ăn. Nếu uống sau bữa ăn, thuốc có thể bị chậm hấp thu.
Bệnh nhân nên uống thuốc vào thời gian cố định. Nếu bị quên 1 liều, có thể bỏ qua liều đó và tiếp tục dùng thuốc theo lịch trình như cũ. Không nên tăng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Thời gian điều trị tối đa không nên vượt quá một tuần.
Liều dùng
Liều được tính dựa vào hàm lượng của domperidone.
Người lớn và trẻ vị thành niên (từ 12 tuổi trở lên và cân nặng từ 35 kg trở lên)
10 mg (10 mL hỗn dịch) lên đến 3 lần/ngày, với liều tối đa 30 mg/ngày (30 mL hỗn dịch).
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ em (dưới 12 tuổi) và trẻ vị thành niên cân nặng dưới 35 kg
0,25 mg/kg cân nặng, có thể dùng 3 lần/ngày với liều tối đa là 0,75 mg/kg mỗi ngày [ví dụ: Đối với trẻ có cân nặng 10 kg, liều dùng là 2,5 mg (2,5 ml hỗn dịch), có thể dùng 3 lần/ngày với liều tối đa là 7,5 mg/ngày (7,5 ml hỗn dịch)].
Bệnh nhân suy gan
Mutecium-M chống chỉ định với bệnh nhân suy gan trung bình và nặng. Không cần hiệu chỉnh liều đối với bệnh nhân suy gan nhẹ.
Bệnh nhân suy thận
Do thời gian bán thải của domperidone bị kéo dài ở bệnh nhân suy thận nặng nên nếu dùng nhắc lại, số lần đưa thuốc của Mutecium-M cần giảm xuống còn 1 đến 2 lần/ngày và hiệu chỉnh liều tuỳ thuộc mức độ suy thận.
Xử lý thuốc trước và sau khi sử dụng
Không có yêu cầu đặc biệt về xử lý thuốc trước và sau khi sử dụng.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tuỳ thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Triệu chứng
Buồn ngủ, mất khả năng xác định phương hướng, hội chứng ngoại tháp, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.
Điều trị
Trong trường hợp quá liều, cần thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng ngay lập tức. Nên theo dõi điện tâm đồ do khả năng gây kéo dài khoảng QT.
Làm gì khi quên 1 liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Mutecium-M, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Thường gặp, (1/100 < ADR < 1/10)
- Tiêu hoá: Khô miệng.
Ít gặp, (1/1.000 < ADR < 1/100)
Không rõ tần suất
- Miễn dịch: Phản ứng phản vệ (bao gồm sốc phản vệ).
- Tâm thần: Bối rối, căng thẳng.
- Thần kinh: Co giật, rối loạn ngoại tháp, hội chứng chân không yên (nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân bị Parkinson).
- Mắt: Cơn vận nhãn.
- Tim mạch: Rối loạn nhịp thất, kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, đột tử do tim mạch.
- Da và biểu mô: Mày đay, phù mạch.
- Thận và tiết niệu: Bí tiểu.
- Hệ sinh dục và tuyến vú: Mất kinh ở nữ giới. Vú to ở nam giới.
- Khác: Bất thường trong các xét nghiệm chức năng gan, tăng prolactin trong máu.
Trẻ em
- Rối loạn ngoại tháp xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi.
- Các ảnh hưởng khác liên quan đến hệ thần kinh trung ương như co giật và kích động cũng được báo cáo chủ yếu ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ.
- Báo cáo phản ứng có hại sau khi thuốc được cấp phép lưu hành rất quan trọng để tiếp tục giám sát cân bằng lợi ích/nguy cơ của thuốc. Cán bộ y tế cần báo cáo tất cả phản ứng có hại về Trung Tâm Quốc Gia hoặc Trung Tâm Khu Vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
- Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những phản ứng có hại gặp phải khi sử dụng thuốc.